Vấn đề HÒA-HỢP và HÒA-GIẢI (4/4)

Vấn đề HÒA-HỢP và HÒA-GIẢI

(4)

Duyyên-Lãng Hà Tiến Nhất

IV. Cần Phải Xác Định Vấn Đề

1. Xác Định Chữ Dùng

Trước hết xin nói qua về cách dùng chữ thường thấy của người VN mình.

Người quốc gia kể cả những nhà hoạt động chính trị và người Mỹ nữa, thường rất hời hợt trong việc xử dụng chữ nghĩa, dù là trong trường hợp tự chứng minh chính mình (self identify). Đây là chuyện rất quan trọng. Chúng ta thường chê VGCS ít học, nhưng thực ra chúng rất tinh tường trong vấn đề dùng chữ. Để ý xem. Xưa nay VGCS luôn luôn gọi chính quyền miền Nam là “Nhà Cầm Quyền Saigon”, chứ không bao giờ nói “Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa”. Chúng gọi “Quân Đội Saigon” thay vì Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Và ngay như người Mỹ để giản tiện trong cách trao đổi, họ cũng thường nói “The Government Troups” chứ rất ít khi nói đầy đủ danh xưng của nó là “The Republic of VN Armed Forces”. Và còn rất nhiều như thế nữa ….. Cũng vậy, các chánh khách, nhất là các nhà báo của ta xưa nay thường sử dụng tưới xượi bất kể chữ nghĩa gì. Sự buông thả lời ăn tiếng nói này là tính hời hợt cố hữu của người quốc gia và là sự cố tình của VGCS muốn xóa đi cái căn cước nhân dạng (identity) của Việt Nam Cộng Hòa và của từng người dân của đất nước này.

Bây giờ cũng không khác xưa là mấy, chỉ có người tỵ nạn tại hải ngoại mới đặt ra vấn đề và gọi nó là HHHG. VGCS và báo chí trong nước của chúng không bao giờ nói đến mấy chữ đó. Bao hàm trong ý nghĩa gần như thế, chính thức bọn lãnh đạo Hànội chỉ kêu gọi xóa bỏ hận thù, khép lại quá khứ, hướng về tương lai v.v. Những chữ HHHG là do cộng sản miền Bắc đẻ ra cho nhóm người tự gọi là Thành Phần Thứ 3 tại miền Nam xài trong thời chiến tranh. Bẵng đi một thời gian. Mấy lúc gần đây lại thấy nó xuất hiện tại hải ngoại. Có một lần hồi mấy năm về trước, Võ Văn Kiệt sau khi đã không còn làm thủ tướng nữa mới hô hào nhà nước của y cũng nên đặt ra vấn đề hòa hợp với những người thuộc chế độ cũ để họ có cơ hội góp phần vào công việc xây dựng và phát triển đất nước. Kiệt chỉ nói hòa hợp chứ không nói hòa giải, nói người của chế độ cũ chứ không nói quân nhân công chức VNCH. Rõ ràng là VGCS vẫn còn đội cái mũ “ngụy quyền” trên đầu chính phủ VHCH đã đi vào lịch sử và vẫn tròng một chữ “ngụy” vào cổ của tất cả mọi người dân miền Nam. Như thế thì làm sao mà HHHG? Người miền Nam có thua trận nhưng không thể mất danh dự. VGCS đã không chủ trương và cũng không đặt ra vấn đề hòa giải với người Việt miền Nam, nhất là với đồng bào tỵ nạn tại hải ngoại. Thay vào đó, bộ máy tuyên truyền của đảng VGCS chỉ mập mờ đánh trống thổi kèn rùm beng một số xảo ngữ ru ngủ như xoá bỏ hận thù, quên đi quá khứ, hướng về tương lai, xóa ngăn cách v.v., rồi được bọn truyền thông lưu manh, mấy cái ống loa nối dài của CS tại hải ngoại phụ họa như những con vẹt. Điều đó cho thấy CS không hề có một chút thực tâm nào trong việc hoà giải, mà chỉ là trò bịp nhắm mục đích chiêu dụ người tỵ nạn đầu hàng mà thôi. Tự đặt ra chuyện HHHG với CS một cách đơn phương, những người chủ trương đã tự lừa dối mình và lừa dối người khác một cách trơ trẽn và lố bịch. VGCS xem ra cũng chẳng mặn mà gì, nhưng trong bụng chắc chúng cười khinh bỉ.

2. Xác Định Liên Hệ

Nói HHHG là nói cho suông miệng. Thật ra nó bao gồm hai tiến trình trước sau riêng biệt. Cả hai liên hệ nhân quả với nhau. Phải hoà giải trước đã rồi mới hoà hợp được. Không thể nào có hoà hợp được trong khi sự chia rẽ và bất hoà chưa bị tiêu trừ. Hoà giải là giải quyết sự bất hoà giữa hai hay nhiều đối tượng của bất hoà. Còn hoà hợp đơn giản chỉ là sự chung sống nhịp nhàng và hài hòa giũa con người với nhau. Nếu nói rằng có hoà hợp là đã có hoà giải rồi, và ngược lại, có hoà giải là tất có hoà hợp thì thật là hồ đồ và thiển cận. Đành rằng hoà giải dễ đưa đến sự hoà hợp, nhưng rất nhiều trường hợp có hoà hợp mà không hề có hoà giải, đặc biệt là trong lãnh vực chính tri. Chính phủ Liên Hiệp năm 1946 là một điển hình hoà hợp nhưng không hoà giải. Câu thường nói “tiểu nhân đồng nhi bất hòa” chỉ vào trường hợp này. Như trên vừa nói, chữ hòa giải có nghĩa là bỏ đi những chia rẽ, xung đột. Vậy nếu VGCS chịu ngồi xuống nói chuyện hòa giải với người quốc gia thì đó có nghĩa là chúng đã chịu bỏ đi những hiềm khích ngày trước, và chịu chấp nhận đa nguyên đa đảng. Hiện nay chưa có chỉ dấu nào cho thấy VGCS chịu nghiêm chỉnh chấp nhận làm chuyên đó.

Lịch sử Dân Tộc từ thời lập quốc đến nay, chưa bao giờ xẩy ra sự bất hoà trầm trọng nào giữa các thành phần dân chúng, bất kể là bất hòa về chính kiến, tôn giáo hay chủng tộc. Thời phong kiến, khi đất nước gặp phải một ông vua hôn quân và triều đình thối nát thì dân chúng bất bình nổi lên làm loạn. Ngày nay, tình trạng bất bình xẩy ra giữa nhà cầm quyền và dân chúng, hoặc giữa các đảng phái với nhau. Tuyệt nhiên không có sự bất hòa giữa người dân với người dân. Duy nhất một trường hợp hãn hữu có thể trở thành sự thật là có nhiều người lo ngại hiện nay đang âm ỉ một tình trạng xung đột giữa các thành phần dân chúng tại miền Nam. Vấn đề này là do chính sách di dân vô tổ chức của đảng VGCS gây ra. Sau ngày 30-4-75, để đề phòng sự nổi dậy của người miền Nam, CS ào ạt đưa cán bộ, đồng thời thả lỏng cho dân chúng miền Bắc di cư vào Nam không có một kế hoạch nào cả. Lớp di cư 75 (tiếng miền Nam) này, cán bộ cũng như dân, như một đàn chó đói, vừa thiếu ăn, lại giỏi lăn lộn xông xáo nên chỉ trong một thời gian ngắn đã chiếm gần hết những nguồn lợi kinh tế của miền Nam. Sự thực này đã đưa đến sự bất mãn không tránh khỏi trong dân chúng tại miền Nam, và là đầu giây mối nhợ gây nên làn sóng dân oan hiện nay. VC chiếm miền Nam thực tế không phải là một cuộc giải phóng, mà là một cuộc xâm lăng hoàn toàn đúng nghĩa. Cán bộ CS vào miền Nam là những ông quan thực dân tân thời. Cái gì thích thì chiếm đoạt, kể cả đàn bà con gái, mà cái thích của bọn người này thì vô cùng tận. Đây là chính sách rất thâm độc của bọn đầu lãnh ngoài Hànội. Sự thể cho thấy đảng CS chính là nguyên nhân gây ra mối bất hoà giữa các tầng lớp dân chúng VN. Sự cai trị độc tài, độc đoán của đảng CS dựa trên một mớ lý thuyết phi dân tộc là nguồn gốc gây ra mọi tranh chấp, mọi thảm họa của đất nước, đưa quốc gia đến tình trạng lạc hậu, thoái hoá, bất công và mất tự do như hiện nay. Như thế đặt cho đúng vấn đề HHHG là phải nói hoà giải giữa nhân dân VN và đảng CSVN với khoảng gần 3 triệu đảng viên, chứ tuyệt nhiên không phải giữa người dân với nhau. Thật là sai lầm nếu nói hoà giải dân tộc theo ý nghĩa là hoà giải giữa các thành phần dân chúng bị CS cai trị. Những thành phần dân tộc này giữa họ với nhau không hề làm gì có chuyện bất hoà để phải kêu gọi họ hoà giải. Do đó, đặt ra vấn đề Hòa Giải Dân Tộc là không hợp lý. Chữ Dân Tộc đi theo sau nhóm từ HHHG là không cần thiết.

Đành rằng cần phải có sự hoà giải giữa các thành phần dân tộc thì công việc xây dựng và phát triển đất nước mới thành công được. Vấn đề HHHG thực sự cần thiết, nhưng ai là người có trách nhiệm phải đặt ra vấn đề HHHG? Hiện nay CS là một đảng cầm quyền và độc bá quyền lực nên việc HHHG phải do đảng CS đặt ra mới đúng. Vả lại như trên đã nói, đảng CS là nguyên nhân gây ra những mối bất hoà trong dân chúng, nên đảng CS mới thật sự là người có bổn phận xin hòa giải và xin lỗi với toàn dân. Người dân bị trị xin hoà giải với chánh quyền đang cai trị mình là một điều thậm phi lý. Họ có làm gì sai quấy hay xúc phạm đến nhà cầm quyền đâu mà phải cầu hòa và xin tha thứ. Nếu đảng CS muốn hoà giải thực sự thì điều kiện cần thiết là họ phải thành tâm. Không thể vừa nói quên đi quá khứ vừa ban hành Nghị Quyết 36. Đó la lưu manh bịp bợm. VGCS cũng không được giải tư Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa và giao cho vài ba tư nhân muốn làm gì thì làm. Làm như thế cũng chỉ là bịp bợm. Nghĩa Trang này vừa là tài sản quốc gia, vừa là di tích lịch sử. Nó phải được tôn trọng. Nếu VGCS thực tâm muốn hòa giải với những người đã cầm súng chống lại mình, thì chúng phải giữ nguyên trạng Nghĩa Trang này, và bảo quản cho tử tế, hoặc giao lại cho các đoàn thể, tổ chức cựu quân nhân QLVNCH để tỏ ra thiện chí. VGCS vừa hô hào xoá bỏ thù hận, vừa đốc xúi chánh phủ Mã Lai và Indonesia phá bỏ đài kỷ niệm vượt biên. Đây rõ ràng là gây thêm thù hận. Đảng CS phải ý thức rõ điều đó. Khẳng định là nếu không có thành tâm hòa giải, cho dù có đạt được một hình thức hòa hợp nào đó, kết quả cũng chỉ là đám bọt xà phòng trong không khí.

3. Xác Định Chính Mình

Mấy chữ HHHG xuất hiện tại miền Nam với nhóm người tự xưng là thành phần thứ 3 khi cuộc chiến tới giai đoàn quyết liệt. Cũng vì nghe mấy chữ này êm tai quá nên Chính Quyền Hoa Kỳ, để rút lui mà không bị mất thể diện, đã thúc đấy Chính Phủ VNCH chấp nhận một chính phủ 3 thành phần gồm VNCH, VC (Mặt Trận Giải Phóng) và thành phần thứ 3. Cũng vì ham HHHG quá nên Dương Văn Minh nhất quyết phải làm tổng thống để đầu hàng VGCS. Các bên lâm chiến tại VN họp Hòa Đàm tại Ba Lê để giải quyết chiến tranh là khởi đầu một tiến trình hòa giải. Ba năm trời họp bàn là thời gian để người ta ngồi cãi nhau, phần lớn đều là những chuyện tầm phào, trong khi ngoài chiến trường súng vẫn nổ, người vẫn chết. Yếu tố quyết định hòa đàm không nằm trên bàn hội nghị, mà nằm ngoài chiến trường tại VN và trên các đường phố của nước Mỹ. Sự thể cho thấy trong chính trị, sự hòa giải không đem đến từ hảo tâm, từ lòng trắc ẩn hay nhân đạo của con người, và cũng không phát xuất từ sự tử tế của bất cứ ai, mà chỉ là chuyện mặc cả, đổi chác theo nguyên lý mạnh được yếu thua. Khổ lụy con người và chết chóc là cái giá để bọn người được đặc quyền sống và quyền thụ hưởng trao đổi với nhau.

Hiện nay, các nhà chính trị, các đảng phái ở hải ngoai muốn HHHG với VGCS để trở về xây dựng đất nước. Lý tưởng đấy. Nhưng họ có cái gì để trả giá với VGCS? Lòng yêu nước chăng? Đối vói VGCS chỉ là thứ đồ bỏ. Tình đồng bào chăng? Đó là thứ hàng xa xỉ. Hay mượn oai hùm của người Mỹ? Cũng không phải là cái gì quí báu. Thật sư thì món đồ này VGCS càng không thiếu. Sự ủng hộ của quần chúng cũng không. Tiền bạc thì kể như tay trắng. Rõ ràng là các đảng phái chính trị ở đây chẳng có cái gì làm giá để mà thương lượng hòa giải với CS. Muốn ép lại không có lực. Kêu gọi suông, VGCS nghe sao?

Các lãnh tụ chính trị của chúng ta ngày trước đã không tiên đoán ra rằng vũ khí chống cộng hữu hiệu nhất là đồng tiền và sự đoàn kết trong cộng đồng chứ không phải khẩu súng. Ba mươi năm về trước, tập thể người Việt tỵ nạn đầu tiên có được hai lợi thế. Thứ nhất đa số họ là thành phần ưu tú nhất của đất nước. Thứ hai, đồng bào rất đoàn kết, khí thế cao, nhiệt huyết có thừa. Tập thể này chỉ thiếu một lãnh tụ thực tâm yêu nước, mưu lược và có viễn kiến. Vào lúc đó chỉ có ông Hoàng Cơ Minh đứng lên phất ngọn cờ lãnh đạo. Nhưng thay vì lãnh đạo, sự bất tài, thiển cận và độc đoán của ông đã làm thui chột đi những mầm non có năng khiếu về sau. Thay vì khua chiêng đánh trống tổ chức kháng chiến bịp, ông ta nên qui tụ đồng bào, đề ra một chương trình khuyến học qui mô trong cộng đồng vừa để đào tạo nhân tài cho tương lai, vừa hun đúc lòng yêu nước cho các thế hệ sau này. Thay vì thu tiền lập chiến khu ma, ông cần đề ra kế hoạch đóng góp để mỗi trung tâm tỵ nạn xây cất lấy một ngôi đình làng làm nơi sinh hoạt chung cho cộng đồng để tạo tinh thần đoàn kết. Khi người Mỹ còn đang bị choáng váng vì cuộc thất trận, họ rất quan tâm đến vấn đề tỵ nạn và sẵn sàng giúp đỡ chúng ta. Thay vì xua lũ âm binh đông tiến, ông phải nghĩ đến việc vận động thúc đẩy Quốc Hội Mỹ ban hành luật cấm người tỵ nạn du lịch và gởi tiền về VN, phát động một cuộc embargo và boycott nội bộ trong cộng đồng đối với VGCS khi chúng bắt đầu thi hành chính sách mở cửa. Nếu chận được 5 tỷ dollars tiền viện trợ không bồi hoàn của người tỵ nạn đổ vào VN hàng năm (chưa kể số tiền khổng lồ không đếm được người tỵ nạm đem về xài khi về du lịch), và nếu làm được cho hàng tỷ bạc hàng xuất khẩu của VGCS phải đổ đi, thì ai xin HHHG với ai sẽ biết. Làm được như thế thì trước hết cán bộ CS nằm vùng sẽ không thể ngóc đầu lên nổi để quấy phá. Thứ hai, cái thế HHHG sẽ đổi chiều, nghĩa là VGCS cầu được hòa giải với người tỵ nạn hơn là người tỵ nạn phải xin hòa giải với VGCS. Thực tế trước mắt cho thấy chính quyền tại lục địa phải ve vãn lấy lòng người Tầu tứ xứ, mà không có chuyện người Trung Hoa tại hải ngoại phải qụy lụy bọn lãnh đạo Trung Nam Hải. Lý do một phần là vì cộng đồng người Trung Hoa có nhiều tiền bạc. Đặc biệt là các cộng đồng này gắn bó với nhau và đoàn kết hơn ta rất nhiều. Cái chúng ta còn có thể làm được lúc này là những người cương quyết chống cộng, còn ai hay người đó ngồi lại với nhau thành một tập thể có tổ chức và có lãnh đạo, cùng chung chí hướng và cùng chung hành động. Nếu không làm được như thế thì lịch sử ngày 30-4-1975 sẽ lại tái diễn là điều có thể tiên đoán trước được.

4. Cuối Cùng: Xác Định Phương Hướng

Có lẽ các nhà đấu tranh cho dân chủ tại VN và các đảng phái chính trị người Việt nên học hỏi người Mỹ cách họ giải quyết cuộc nội chiến (Civil War) của nước Mỹ để mà tìm ra phương thức áp dụng trong vấn đề bế tắc hiện nay của đất nước.

Từ đầu thập niên 1850, chính trường nước Mỹ luôn luôn cãi cọ nhau ì xèo về việc các tiểu bang miền Nam bành trướng chế độ nô lệ vào các vùng đất sở hữu của Liên Bang. Sự tranh cãi cuối cùng đưa đến việc ly khai của 7 tiểu bang miền Nam trước khi ông Abraham Lincoln của đảng Cộng Hòa nhậm chức Tổng Thống ngày 4-3-1861. Cuộc nội chiến hay còn gọi là chiến tranh Nam/ Bắc bắt đầu sau đó và kéo dài đúng 4 năm, từ tháng 9-1861 đến tháng 9-1865 khi đại tướng Robert Edward Lee của miền Nam chịu đầu hàng. Cuộc chiến đẫm máu nhất này của nước Mỹ làm thiệt mạng 620.000 binh sĩ, chưa kể thiệt hại về phía thường dân.

Có những nét giống nhau rất đặc biệt trong cuộc Nội Chiến Mỹ và chiến tranh VN như: cả hai đều là cuộc đối đầu giữa hai miền Nam và Bắc của đất nước. Cả hai đều đánh nhau vì một nguyên nhân là tội ác. Một bên gây tội ác. Một bên chống lại tội ác đó. Tội ác trong cuộc Nội Chiến Mỹ là chế độ nô lệ. Còn tội ác trong chiến tranh VN là chế độ CS. Tôi kể chế độ VGCS là tội ác căn cứ trên kết luận của cuốn Sách Đen nói rằng CS là một thảm hoạ lớn nhất cho con người trong thế kỷ 20, và đựa vào Nghị Quyết của Quốc Hội Âu Châu lên án chủ nghĩa CS là tội ác chống nhân loại. Cũng có một điểm rất giống nhau về hình thức, nhưng lại hoàn toàn khác hẳn về mục đích. Cuộc chiến Nam-Bắc Mỹ thật sự là một cuộc nội chiến. Người dân Mỹ giữa hai miền Nam-Bắc xử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề của đất nước. Trong khi tại VN, bọn VGCS thi hành một cuộc chiến ủy nhiệm. Nói rõ hơn là VGCS theo chỉ thị của Đệ Tam Quốc Tế CS gây chiến nhằm tiêu diệt người Quốc Gia để thôn tính lãnh thổ cho đế quốc Liên Sô. Còn về điểm khác biệt giữa hai cuộc chiến, như chúng ta thấy, đó chính là hệ quả tạo ra từ mỗi cuộc chiến tranh. Cuộc Nội Chiến của nước Mỹ cụ thể đã đem lại liên tiếp 3 Tu Chính quan trọng cho Hiến Pháp của Hoa Kỳ. Thứ nhất là Tu Chính thứ 13 bãi bỏ chế độ nô lệ trong cả nước. Thứ hai, Tu Chính 14 công nhận quyền bình đẳng trước pháp luật của tất cả mọi công dân. Và thứ ba, Tu Chính 15 bãi bỏ việc hạn chế đầu phiếu theo sắc tộc. Nói khác đi là xác lập quyền đầu phiếu cho mọi công dân không phân biệt mầu da. Sau cuộc chiến, trên bình diện pháp lý, mọi công dân Mỹ không phân biệt đen, trắng, đều được chung hưởng tự do dân chủ và quyền bình đẳng trước pháp luật. Đây là nền tảng pháp lý vững chắc cho việc phát triển một nước Mỹ giầu mạnh và văn minh như chúng ta thấy ngày nay. Chế độ nô lệ bị coi là một tội ác vì nó xúc phạm nhân vị con người. Cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ là một cuộc chiến tranh chống tội ác và đã thắng lợi. Kết luận về cuộc Nội Chiến của nước Mỹ, TT Abraham Lincoln nói: Civil War brought to America a new birth of freedom (cuộc nội chiến đã khai sanh ra một nền tự do mới cho nước Mỹ).

Cuộc chiến tranh VN diễn ra như thế nào tôi xin khỏi trình bầy ở đây. Còn như những hậu quả của chiến tranh VN thì xin không nói nhiều, chỉ cần thu tóm trong mấy chữ thôi là đủ: tù đầy, hoàn toàn đổ nát, và không phải là thiếu chết chóc. Tôi muốn nhấn mạnh đến những sự sụp đổ về mặt tâm lý và tình cảm con người, về truyền thống lễ giáo và văn hóa dân tộc, về nền giáo dục gia đình và phong tục tập quán xã hội. Ai không tin xin cứ về (hay đến) ở VN một ít ngày thôi là sẽ thấy. Những nét đẹp quê hương này đã mất đi và chắc chắn không bao giờ có thể tìm lại được nữa. Chỉ có nền kinh tế xem ra có phần phục hồi lại được chút ít, nhưng lại gây ra khoảng cách giầu nghèo quá chênh lệnh tạo nên tình trạng bất ổn xã hội thường trực, ảnh hưởng không ít đến việc phát triển đất nước và hạnh phúc của người dân. Thử đọc một trích đoạn ngắn mô tả về tình hình kinh tế tại VN hiện nay của Tiến sĩ Trần Minh Hoàng để biết: “Không thoát khỏi qui luật, nền kinh tế của Việt Nam với những biến động nhanh chóng và dồn dập thời gian gần đây, chỉ trong vòng 1 tháng, nhất là sau tết Mậu Tý. Từ việc giá cả tăng cao đột biến, với mức giá tiêu dùng sinh hoạt của chợ búa, thịt cá rau cải … tăng trung bình là 50% ; giá bất động sản nhà đất tăng gấp 3 lần ( có nơi lên đến 7.000 USD/m2 sàn sử dụng ), giá vàng lên cao trên 18 triệu 200 ngàn/ lượng. Lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng lên đến mức chóng mặt từ hơn 10% năm đã lên đến trên 40% năm”(Ts Trần Minh Hoàng: 2008 khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng chính trị ở Việt Nam). Với mức phát triển kinh tế trung bình 8.5%, trong khi mọi thứ trên thị trường tăng từ 10% đến 50%, thử hỏi kinh tế VN là cái gì, đi lên hay đi xuống? Trong tình trạng đó, các đảng viên, các chủ xí nghiệp sản xuất, các nhà buôn, các người cung cấp dịch vụ đâu có thiệt hại gì. Tất cả hậu quả đều đổ lên đầu người tiêu thụ. Đồng tiền từ hầu bao người nghèo vẫn ào ào chẩy vào túi những người giầu có. Sự chênh lệch giầu nghèo càng ngày càng kéo dài thêm ra. Theo thống kê của Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc ngày 27-8-2007 thì 20% dân số các gia đình giầu có được hưởng 40% các phúc lợi xã hội, trong khi 20% người nghèo nhất chỉ nhận được 7%. Một báo cáo khác cho biết 20% người giầu có nhất hưởng 47% các khoản trợ cấp, trong lúc đó chỉ có 2% những người cùng khổ nhận được. Thêm vào đó 20% những người giầu có nhất so với 15% những người nghèo khó nhất được hưởng các trợ giúp sức khỏe. Báo The Economist thống kê lợi tức đầu người VN là 555 USD năm 2007. Con số này nếu là đáng tin tưởng thì cũng nên hiểu cho đúng với thực tế của tình hình VN. Giới giầu có ước tính là khoảng từ 3 – 5% với lợi tức hàng chục triệu USD, trong khi 95% người nghèo chỉ kiếm được trung bình 1 dollar/ngày. Tóm lại một số rất ít người giầu thì cực giầu, còn lại đại đa số nghèo thì cực nghèo. Một người bạn mới từ VN trở về Mỹ, anh ta làm một cuộc khảo sát bỏ túi khá sâu rộng trên khắp cả ba miền VN bằng mắt thấy tai nghe đã đưa ra một kết luận như sau: có đến 75% dân chúng VN từ nghèo đến nghèo mạt rệp (tức cùng cực). Trên 20% từ đủ ăn đến khá giả (có chút đỉnh dư ra). Khoảng 3% còn lại gồm đại đa số đảng viên, thân nhân của họ, và những thành phần móc ngoặc làm ăn với cán bộ là thành phần giầu có, từ triệu phú đến tỷ phú dollar. Sự mất quân bình xã hội này những người dễ tính nhất cũng không thể chịu đựng nổi. Như vậy kinh tế VN quả có đi lên và bay lên theo nhịp độ thần tốc với một nhóm nhỏ rất ít, nhưng lại đi xuống, tuột dốc không phanh (thắng) với đại đa số quần chúng. Đó là kết luận đúng nhất về tình hình phát triển kinh tế và xã hội VN.

Nhìn vào các hệ quả của hai cuộc chiến tranh cách nhau đúng một thế kỷ tại Hoa Kỳ trước kia và tại VN gần đây, luận theo đạo lý đông phương thì chỉ khi cái thiện tiêu diệt được cái ác, thành sự mới tốt đẹp và tương lai mới tươi sáng. Ngược lại, khi cái thiện bị cái ác tiêu diệt, sự dữ sẽ lan tràn. Cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ cho chúng ta một kết luận là để xây dựng và phát triển một đất nước, điều kiện tiên quyết là phải tiêu diệt sạch mầm mống của tội ác phản lại con người trên đất nước đó. Kinh nghiệm của nước Mỹ phải là điều xác định ưu tiên hàng đầu nếu nhân dân VN muốn nói đến vấn đề HHHG hay chung sống đa đảng với CS trên đất nước mình.

Kết Luận

Đã nói đến chuyện hòa giải tức là phải nhìn nhận rằng cuộc xung đột vẫn còn tồn tại. Nếu quan niệm rằng cuộc chiến VN chưa kết thúc, mà mới chỉ chấm dứt một giai đoạn thì vấn đề đặt ra cho chúng ta là phải làm thế nào để kết thúc nó. Tiêu diệt hoàn toàn tội ác CS tức xóa bỏ hẳn chủ nghĩa CS, hay hòa giải và hòa hợp với nó để cùng tồn tại? Trở lại với vấn đề của nước Mỹ, một trăm năm trước, nếu hai miền Nam Bắc Hoa Kỳ thỏa hiệp để cho chế độ nô lệ tồn tại thì thử hỏi nước Mỹ có còn được là nước Mỹ ngày nay không? Chúng ta không thể hình dung ra được cái nó không xẩy ra, nhưng có một điều chắc chắn có thể tin được dù nó không xẩy ra, là nước Mỹ sẽ là một quốc gia lạc hậu và tệ hại nhất về mặt dân chủ và nhân quyền trên hành tinh này. Đó là điều khẳng định không thể nghi ngờ. Câu hỏi chúng tôi muốn gởi đến quí độc giả là HHHG hay dân chủ đa đảng cùng với sự có mặt của đảng CS với đầy đủ nanh vuốt tội ác của nó có phải là phương thức tốt nhất để giải quyết vấn đề của đất nước không?

Tháng 4 năm 2008

Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất

http://www.hon-viet.co.uk/DuyenLangHaTienNhat_VanDeHHHG_Ket.htm

Leave a comment